Chiến lược vung tiền để tranh thủ ủng hộ của Trung Quốc

20:50 |
Tuần trước, vài ngày sau khi Tòa Thường trực ra phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch ngoại giaolớn để thúc đẩy lập trường của họ, theo VOA.

Chiến dịch của Trung Quốc bao gồm việc tiếp cận các quốc gia khác để họ lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh. Campuchia, nước nhận được viện trợ đáng kể từ Bắc Kinh, là một trong những bên đầu tiên làm như vậy.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) bắt đầu từ ngày 23/7, Campuchia được cho là đã ngăn khối này ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Theo AFP, một nhà ngoại giao nói rằng Campuchia phản đối hầu như mọi thứ, kể cả việc đề cập tới chuyện tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao vốn đã xuất hiện trong các tuyên bố trước đây. Sau các vòng đàm phán hôm qua, ASEAN vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Chiến lược vung tiền để tranh thủ ủng hộ của Trung Quốc được một số người gọi là "ngoại giao bằng tờ séc".

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, đang thật sự cố gắng tăng cường lợi ích quốc gia của mình thông qua các biện pháp ngoại giao, nguồn hỗ trợ phát triển cho nước khác, và quyền lực mềm", Curtis S. Chin, chuyên gia về châu Á tại Viện Milken có trụ sở tại Mỹ, nói. "Chúng ta thấy điều đó trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á".

"Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác thương mại lớn với khắp châu Á, vì vậy những gì Trung Quốc đang làm với 'những tấm séc' của họ, với chiến thuật ngoại giao của họ, là nhằm lôi kéo bạn bè và đối tác thông qua các khoản đầu tư của mình", ông nói.

Tăng ảnh hưởng

Scott Harold, phó giám đốc Trung tâm Chính sách châu Á Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu RAND, cho rằng 10 nước thành viên coi ASEAN "như cách để giúp cho các nước Đông Nam Á nhỏ hơn, yếu hơn có ảnh hưởng lớn hơn".

Tuy nhiên, ông Harold nói rằng việc tham gia vào ASEAN chỉ là một phần trong tính toán chính sách đối ngoại của mỗi nước thành viên.

"Chẳng hạn như, các nước thành viên có tranh chấp với Trung Quốc cố gắng huy động các nước láng giềng Đông Nam Á đưa ra tuyên bố chung" về vấn đề Biển Đông, ông nói.

Ông Harold nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên có thể có lúc cố gắng đoàn kết và đề cập đến các vấn đề như Biển Đông. "Nhưng khi Trung Quốc làm rõ với một số nước nghèo, nhỏ và còn nhiều tham nhũng rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ của họ với Trung Quốc, thì bạn sẽ thấy các nước như Campuchia lùi bước", ông nói.

Tăng lợi ích

Ông Chin cho biết viện trợ của Trung Quốc đến Phnom Penh, bao gồm một cam kết 600 triệu USD, là một bước trong chiến lược của Bắc Kinh vì "đối với Campuchia, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của họ. Mỗi quốc gia tìm cách thúc đẩy những lợi ích riêng và Campuchia đang nhận được một lượng lớn tiền từ Trung Quốc".

Theo ông Chin, Trung Quốc không cho rằng viện trợ là một hình thức có đi có lại, "nhưng bằng viện trợ, Trung Quốc chắc chắn có được một đồng minh để thúc đẩy ý kiến ​​của mình trong khu vực".

Chuyên gia Harold của RAND cho biết chiến thuật này của Bắc Kinh cũng gây nhiều bất bình vì kìm hãm sự tự do quyết định của nước khác. "Khi Bắc Kinh bảo bạn nhảy, quyền duy nhất của bạn là hỏi xem nhảy cao đến mức nào", ông nói. "Thực tế thì các quốc gia nhỏ luôn là bên phải nhượng bộ trong hệ thống quốc tế. Đó không phải là điều mà họ thích".

Nhìn về tương lai của ASEAN, ông Chin nhấn mạnh rằng trong vài năm qua, các bộ trưởng ngoại giao và tài chính của nhóm đã không thể đưa ra được tiếng nói thống nhất về Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc có thể "tỉa bớt" một thành viên thông qua "ngoại giao hoặc tiền bạc hay sự kết hợp giữa cả hai, thì rõ ràng ASEAN là bên chịu thiệt".

Dù đúng là Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với ASEAN, ông Harold nói rằng vấn đề đáng lo ngại hơn là một số quốc gia thành viên lớn hoặc đóng vai trò chiến lược của tổ chức chưa dẫn dắt khối một cách hiệu quả.

Ông Harold cho rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào một số thời điểm nhất định đã khiến ASEAN không đạt được tiếng nói thống nhất. Song ông cũng lưu ý thêm rằng bản thân "ASEAN vốn đã bị chia rẽ bởi một số tranh chấp".
Read more…

Xe lao từ đường trên cao xuống đất và hư hỏng nặng

20:48 |
Đi đến đoạn đường trên cao Pháp Vân về Giải Phóng (Hà Nội), xe 7 chỗ đâm rụng lan can cầu cạn và cắm đầu xuống đất, nam tài xế văng ra ngoài.


Xe lao từ đường trên cao xuống đất và hư hỏng nặng. Ảnh: Lê Hùng

Khoảng 2h sáng 25/7, xe 7 chỗ nhãn hiệu Chevrolet Captiva do nam tài xế cầm lái chạy hướng từ cầu Thanh Trì về Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi đến đường trên cao Vành đai 3, đoạn ngã ba Pháp Vân, xe đâm rụng lan can cầu cạn và lao xuống đất.

Sau cú rơi ở độ cao trên 5 m, xe bị biến dạng, nam tài xế văng ra ngoài, tử vong tại chỗ. Mảnh vỡ của xe bắn tung tóe khắp nơi, có mảnh xa vài chục mét.

Báo pháp luật Theo quan sát, cầu cạn trên cao đoạn gần lối xuống Pháp Vân có một vỉa đường làm làn dừng đỗ khẩn cấp và có lan can. Sau tai nạn, đến sáng nay lan can bằng sắt chưa được gia cố.



Làn đường dừng khẩn cấp có lan can bằng sắt bao quanh bị đâm rụng. Ảnh:Otofun

Lực lượng chức năng đã tới xử lý sự cố, đưa xe gặp nạn khỏi hiện trường ngay trong đêm.

"Vụ việc đang được điều tra, tuy nhiên theo những gì quan sát tại hiện trường có thể xe đã chạy với tốc độ rất cao, đâm vào lan can và cắm đầu xuống đất", lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 4, Công an Hà Nội thông tin.
Read more…

Tôi dằn vặt vì vứt bỏ anh lúc bệnh tật

20:48 |
Tôi dằn vặt vì vứt bỏ anh lúc bệnh tật nhưng sợ và cũng không đủ sức lo nữa. Cách đây mấy ngày lại nghe anh thắt cổ nhưng may mắn không chết.

Tôi đang sống trong sự dày vò của lương tâm, cắn dứt vì đạo đức con người. Tôi quen và lấy chồng sau gần 2 năm tìm hiểu. Khi về làm vợ tôi mới ngờ ngợ chồng có suy nghĩ rất khác người nhưng vì dễ chấp nhận nên cũng không suy nghĩ sâu vấn đề. Khi quen tôi, từ một giáo viên bỗng anh xin nghỉ việc và sau đó làm thêm 2 công việc khác nữa nhưng mỗi công việc không quá 2 tháng, anh nói vận không tốt không đi làm nữa. Tôi độc lập tài chính, tính tính mạnh mẽ và ít chấp nhặt, đồng lương văn phòng không nhiều nhặn gì nhưng đủ để vợ chồng tiêu dùng nên không tạo áp lực cho anh vì biết chồng yếu thần kinh.

Hơn một năm sau tôi có thai, chồng vẫn vậy, tôi một mình tự đi làm lo cho bản thân và cho cả anh, anh vẫn ở nhà không đi làm gì cả. Chồng không giúp gì được cho tôi kể cả tinh thần, tiền tài và thể xác nhưng tôi biết anh có bệnh nên không bao giờ tạo áp lực mà âm thầm chịu đựng. Ngày đi sinh, tôi đau quằn quại, đau từ 22h đến 6h hôm sau mới được đẩy vào phòng sinh. Vào phòng cách ly tôi kiệt sức vì đau cả đêm, đói, đặc biệt rất khát nước, ngay lúc đó tôi ước chồng xuất hiện hay cố tìm cách liên lạc hỏi tôi có cần gì không như những ông chồng khác. Đằng này anh bỏ về nhà ngủ khi tôi chưa sinh và em gái cũng chưa kịp đến thay ca.

Tôi bình an sinh con, từ chi phi sinh nở, ăn uống ngủ nghỉ cũng một tay tôi lo. Sáng sinh con tối tôi đã nhúng nước vì chồng không dậy nổi. Tôi về ngoại ở cữ hết tháng. Trong tháng anh nhậu xỉn, ói đầy nhà ba mẹ tôi. Tôi khom mình lau dọn giặt giũ, thấy anh có phần không ổn trong suy nghĩ tôi khuyên anh đi khám. Tôi tìm bác sĩ giỏi, họ bảo anh bị rối loạn lưỡng cực. Tôi suy sụp nhưng ráng gồng, mua thuốc rồi khuyên nhủ anh uống. Anh chửi bới và vứt thuốc. Tôi lại cố khuyên răn, anh xách đồ bỏ về nhà mẹ đẻ để mẹ con tôi ở dưới ngoại. Thấy tình cảnh như thế, tôi quyết định nương tựa gia đình mình. Anh nhắn tin trách móc đủ điều, sau đó nói muốn ly hôn, rồi lại xin lỗi, trách móc.

Con tôi được 4 tháng anh uống thuốc tự tử. Tôi nói gia đình chồng là anh bị bệnh về thần kinh, nhà anh chỉ ậm ờ thôi. Sau lần ấy anh tỉnh táo hơn chút, tôi cứ thế sống bên ngoại và anh ở bên nội, tuần vợ chồng gặp 2 hoặc 3 lần sum họp cùng con. Bệnh anh ngày càng nặng, gia đình anh hời hợt, tôi lại không bên cạnh, anh nhắn tin chửi rủa, trách móc và xin tôi buông tha, cho anh lối thoát. Nhà tôi có việc xảy ra sát Tết, tôi phải làm quần quật cả công ty lẫn việc gia đình. Anh không hỏi han gì.

Tết đồng nghiệp tôi đến chơi, anh nói với cô bé đó là nếu biết sớm thì lấy cô ấy rồi. Tôi xấu hổ kinh khủng, may mà đồng nghiệp hiểu và thông cảm. Trong lúc du lịch anh lơ ngơ để con ngồi sát mép tháp cách mặt đất 30m, tim tôi như ngừng đập. Từ khi quen đến khi cưới, sinh con giờ đã gần 5 năm, tôi không cầm giữ được đồng tiền nào từ chồng, một mình bươn chải lo toan, tối ngủ sợ chồng phát bệnh làm điều điên rồ. Tôi mệt mỏi và quyết định ly hôn. Tôi bị dằn vặt vì vứt bỏ anh lúc bệnh tật nhưng sợ và cũng không còn đủ sức lo nữa rồi.

Cách đây mấy ngày lại nghe anh thắt cổ nhưng may mắn không chết. Anh tỉnh dậy bấm số điện thoại tôi để gọi, nhà anh đưa anh vào viện tâm thần. Tôi đau đớn cho anh, cho tôi và con. Tôi bị dằn vặt lương tâm và đạo đức của một con người, cố lờ đi để sống, không dám nghĩ về anh vì đau lòng. Nhà anh gọi, nói khi nào anh nhớ con thì cho họ ẵm về cho anh thăm. Tôi từ chối vì sợ, họ có thể về thăm cháu nhưng ẵm đi thì không được. Tôi đúng hay sai, mong các bạn cho tôi lời khuyên.
Read more…